Xin học bổng PhD ở Anh

Tổng kết mùa tuyển sinh năm nay, mình đậu học bổng Tiến sĩ 3 trường ở Anh, ngành Khoa học xã hội và Khoa học máy tính. Mình viết lại note này như ghi chú một chặng đường, cảm ơn đến mọi người xung quanh đã hỗ trợ mình rất nhiều trong suốt quá trình trên; và lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ cùng chí hướng.

Mình rút ra vài bài học cho bản thân, có tính áp dụng ở Anh và các nước tương tự có cùng hệ thống:

1. Chuẩn bị đề xuất nghiên cứu: Đề xuất nghiên cứu (research proposal) được xem như là nút thắt của toàn bộ quá trình. Ở Anh hồ sơ nộp PhD thông thường bao gồm đề tài nghiên cứu, CVs, cover letter, và thư giới thiệu. Có thể nói với đặc trưng PhD ở Anh, đề xuất nghiên cứu là quan trọng nhất (khi bắt đầu học là bắt đầu làm nghiên cứu luôn, còn ở Mỹ học coursework 2 năm rồi mới bắt đầu đề tài). Sau đó là CVs và thư giới thiệu. Tips chọn đề tài nghiên cứu là chủ đề bạn phải thực sự tâm huyết và có ý định nghiên cứu đào sâu. Đây là đề tài bạn sẽ gắn bó trong 3-4 năm nên việc chọn đúng đầu tiên sức quan trọng, không chỉ sẽ giúp bạn hoàn tất đề tài của bạn mà còn là động lực mỗi ngày. Bản thân mình, đó là một quá trình không ngừng reflection trong thời gian làm việc thực địa kết hợp với việc đọc tài liệu, cập nhật các tin tức liên quan đến chủ đề trên. Nói về soạn thảo đề xuất nghiên cứu, ở giai đoạn đầu, không nhất thiết bạn cần phải có một đề tài nghiên cứu hoàn chỉnh. Điều này nghĩa là bạn hoàn toàn có thể phát triển, bổ sung, hoặc chuyển hướng nghiên cứu khác (đương nhiên với sự đồng ý của Giáo sư hướng dẫn) trong suốt giai đoạn học sau này. Tuy nhiên, với những bước đầu, bạn cần chứng minh đề tài của mình (1) mang tính đóng góp, tạo giá trị tăng thêm cho một lĩnh vực, hoặc giải quyết các gaps trong nghiên cứu; (2) hợp với hướng nghiên cứu trọng tâm và mối quan tâm của Ban/Trường bạn nộp và quan trọng nhất, của Giáo sư hướng dẫn; và (3) bạn có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện đề tài trên.

Đề xuất nghiên cứu tuỳ yêu cầu từng trường nhưng độ dài thường 2.000-3.000 từ (chưa kể tài liệu tham khảo references). Cấu trúc thường bao gồm các phần Tên đề tài (Title), Giới thiệu chung (Bối cảnh – Vấn đề) (Overview), Tổng quan nghiên cứu (Literature review), Mục tiêu và Câu hỏi nghiên cứu, Khung lý thuyết (Theoretical framework), Thiết kế nghiên cứu và phương pháp (Research design and methodology), Các lưu ý về đạo đức nghiên cứu (Ethical considerations), Khung thời gian (Timeline) và Đề xuất cấu trúc bài nghiên cứu (Research outline). Ngoài ra, với nghiên cứu có tính ứng dụng cao có thể bao gồm phần sẽ sử dụng nghiên cứu như thế nào, ở trong bối cảnh/tố chức nào hoặc các lưu ý mở rộng chủ đề nghiên cứu (Knowledge sharing and further development). Phần này có khá nhiều bài viết hay trên mạng và từ trường nên mình không chia sẻ chi tiết ở đây. Với một nghiên cứu trong ngành Xã hội/Phát triển, những yếu tố như nghiên cứu đa ngành (interdisciplinary research), kết hợp các phương pháp nghiên cứu (methodology), và sử dụng nguồn dữ liệu từ thực địa sẽ là những điểm cộng cho đề xuất. Như của mình là Data science và International development – broadly là ứng dụng của khoa học dữ liệu trong việc giải quyết các vấn đề phát triển. Mình chọn làm ở Cambodia và Việt Nam vì có mối quan hệ làm việc với các NGOs và cơ quan cho phép thu thập dữ liệu và giới thiệu, ứng dụng kết quả nghiên cứu sau này khi hoàn thành.

2. Liên lạc với Thầy/Cô hướng dẫn: Khi bạn đã tự tin với đề tài nghiên cứu của mình, bước tiếp theo là liên hệ tìm Giáo sư hướng dẫn. Thầy/Cô hướng dẫn là nút thắt thứ hai quan trọng không kém trong quá trình vì thầy/cô sẽ là người đồng hành trong suốt quá trình của bạn sau này, đưa ra các lời khuyên, định hướng nghiên cứu. Khả năng được chấp nhận càng cao khi thầy cô có cùng hướng nghiên cứu, đang chuyên sâu vào lĩnh vực trên, hoặc có ý định mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của mình. Ngoài trường hợp 1 thầy/cô hướng dẫn, một PhD có thể có 2 thầy/cô hướng dẫn khác nhau, phòng Ban khác nhau, thậm chí khác trường.

Các mình tìm thầy cô hướng dẫn. Cách 1: Dựa vào những tên tuổi thầy/cô khi mình làm literature review. Thường từ những thông tin cơ bản (tên, trường), bạn đã có thể truy xuất địa chỉ liên lạc (email) của thầy/cô. Cách 2: Dựa vào phòng/ban của trường, đọc qua bibliography của thầy/cô đã biết lĩnh vực nghiên cứu (research interests) và các xuất bản (publications), từ đó xác định chủ đề của mình có phù hợp với lĩnh vực (areas) của thầy cô không.

Viết mail cho thầy cô: Đính kèm CVs và đề xuất nghiên cứu. Giải thích vì sao bạn muốn làm đề tài này và hỏi xem thầy/cô có sẵn sàng làm hướng dẫn cho mình không (nếu được, nên đính kèm cả cover letter). Hỏi thêm thầy cô có lời khuyên cho đề tài mình không và đánh giá có phù hợp với hướng nghiên cứu của phòng/Ban hay không. Từ quá trình tương tác với các thầy cô, mình thấy dù họ rất bận rộn nhưng cũng dành thời gian đọc hồ sơ của mình và cho lời khuyên ấy. Nên cũng là nhiều điều để mình học hỏi trong quá trình này. Thường các thầy cô khác nhau, trong 2-3 ngày hoặc 1 tuần bạn đã có câu trả lời. Xác định thầy cô hướng dẫn sớm trước thời hạn nộp hồ sơ/học bổng vì khi thầy/cô nhận làm hướng dẫn, họ sẽ cho thêm các lời khuyên và cùng bạn chỉnh sửa chi tiết đề xuất nghiên cứu. Lưu ý là mặc dù đề tài đã được chấp thuận hướng dẫn nhưng sẽ có nhiều đề xuất nghiên cứu nên việc nhận PhD vào phòng/ban và quyết định trao học bổng sẽ tiếp tục do Panel quyết định.

3. Tham gia phỏng vấn: Qua vòng đơn, nếu vào shortlists, bạn sẽ được mời phỏng vấn. Kinh nghiệm mình phỏng vấn khác nhanh, 30-40 phút. Panel thường 3-4 người, đại diện Phòng/ban (Department), trung tâm học Tiến sĩ (Doctoral center), người phụ trách học bổng (tuỳ trường mà quá trình PhD admission và scholarship interview có thể chung hay riêng, nhưng thường các trường sẽ kết hợp thành một).Khi tham gia phỏng vấn chuẩn bị kỹ về phần đề tài, kinh nghiệm cá nhân, lý do chọn trường, và các câu trả lời về logistics khác (như tài chính, khả năng nhập học, etc.). Mình thấy có các câu sau:
– Vì sao lại muốn học lên PhD? Học xong PhD sẽ làm gì? – Giải thích ngắn gọn đề tài – Trình bày phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu. Ví dụ như làm thế nào để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, trường hợp cộng đồng ở nơi xa, khó tiếp cận, v.v- Liệt kê khó khăn/rủi ro (risks) có thể gặp phải khi làm đề tài? Đề xuất biện pháp giảm thiểu (mitigation). Ví như nghiên cứu đối tượng dễ tổn thương, vậy làm thế nào để tránh do no harm đến đối tượng, hoặc tránh re-traumatization – Chứng minh đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm đề tài. Ví dụ như kinh nghiệm nghiên cứu, kỹ năng sử dụng các chương trình/phân tích dữ liệu, etc.- Gỉai thích khả năng ứng dụng thực tiễn và hướng phát triển mở rộng (tuỳ đề tài). Đặc biệt đối với các học bổng về Development/Global challenges, câu hỏi sẽ hướng vậy đề tài sẽ giải quyết vấn đề trong thực tiễn như thế nào – Vì sao lại chọn Phòng/Ban của trường? – Xác nhận khả năng tài chính/khả năng bắt đầu nhập học.

4. Tài chính/học bổng: Thường các trường ở Anh có mức chênh lệch học phí giữa sinh viên UK/EU và sinh viên quốc tế. Sinh viên quốc tế thường có mức học phí cao gấp 3-3.5 lần (ít nhất £15.000/năm) nên rất nhiều học bổng chỉ dành cho học sinh UK/EU, thậm chí là điều kiện tiên quyết đầu tiên (dựa vào resident status). Tuy nhiên, bạn đừng lo. Một khi thầy/cô thật sự interested đề tài của bạn, các thầy cô sẽ tìm nguồn bù vào phần chênh lệch riêng.Như của mình nộp cho một studentship dành cho sinh viên UK/EU, sau khi liên lạc với cô hướng dẫn, cô refer mình đến ngay một học bổng của trường đang mở dành cho sinh viên quốc tế. Hai cô trò tiếp tục chuẩn bị hồ sơ để nộp cho học bổng này. Hoặc một trường, các thầy/cô đã rất nice khi tìm tài trợ từ quỹ riêng của trường, donations, hoặc private funding. Nguồn của mình đến từ một công ty về AI ở Anh thuộc Google. Hoặc có trường sẽ offer cùng với việc đi dạy – tuy nhiên bạn cần balance thời gian và tâm sức cực kỳ tốt. Trên đây là một vài kinh nghiệm của mình trong việc ứng tuyển với đề xuất nghiên cứu của mình, tuy nhiên, cũng có PhD dạng đã có đề tài nghiên cứu và Giáo sư hướng dẫn sẵn, bạn chỉ cần nộp hồ sơ (và đương nhiên có kèm đề xuất nghiên cứu nhưng với chủ đề đã định sẵn trên). Một số trang web tham khảo: https://www.jobs.ac.uk/phd
https://www.findaphd.com/
https://www.phdportal.com/
https://www.postgraduatestudentships.co.uk/
https://www.prospects.ac.uk/
Website của trường – thường các Studentships sẽ được advertise trực tiếp ở trên

“If you don’t like the road you’re walking, start paving another one.” (Dolly Parton)