Xấu hổ, Nghèo đói và Bảo trợ xã hội
Bài dịch từ Roelen, K. (2017) Shame, Poverty and Social Protection. IDS Working Paper 489, Brighton: IDS. Available at www.ids.ac.uk/publication/shame-poverty-and-social-protection
‘Bất kể là ở châu Âu, châu Phi, hay châu Á, sống trong đói nghèo thường đi kèm với cảm giác tội lỗi, bị hạ thấp, và xấu hổ (Chase and Bantebya-Kyomuhendo 2014).
Dân gian ta có câu ‘Nghèo là cái nhục’. Đói nghèo có là nguyên nhân của cái ‘nhục’; cảm thấy ‘nhục’ tốt hay xấu cho giảm nghèo. Anh sẽ có động lực vượt khó, hay hoàn cảnh chùn anh xuống hơn? Các chính sách xã hội, mặc dù với mục tiêu giảm nghèo, có đang là một trong những nguyên nhân khiến người nghèo cảm thấy ‘nhục’, giảm sự tôn trọng của xã hội dành cho họ, và từ đó giảm động lực vượt nghèo?
Keetie Roelen từ Học viện Phát triển Anh, dựa trên thực trạng nghèo đói và các chính sách xã hội ở cả các quốc gia có thu nhập trung bình, thấp, và cao (như Anh, Mỹ), tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa ‘cái nhục’, nghèo đói, và chính sách xã hội.
Tôi tạm gọi ‘cái nhục’ là sự xấu hổ (shame) ở đây. Xấu hổ và mối quan hệ giữa xấu hổ, nghèo đói, và phát triển lần đầu được đề cập trong tác phẩm nghiên cứu từ thế kỷ XVIII. Adam Smiths, trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia (Wealth of Nations) (1776) đã bàn luận về xã hội lúc bấy giờ: Người ta mặc áo vải lanh, không phải để che đậy cơ thể, mà sợ xấu hổ nếu không mặc một chiếc áo vải lanh.
Theo đó, xấu hổ là cảm giác khi bị xã hội chối bỏ (social rejection) hoặc mất đi sự thu hút xã hội (social attractiveness) ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cảm giác thuộc về cộng đồng/xã hội. Xấu hổ đến từ sự kỳ thị, hay là ‘những khác biệt không mong muốn’ và diễn ra thông qua các tương tác xã hội. Ví như trẻ em đi học có quần áo mới, trẻ em nhà nghèo không có bộ quần áo tương tự, sự đùa cợt của bạn bè dẫn đến sự xấu hổ ở trẻ.
Xấu hổ được chia làm 2 dạng: xấu hổ tự nhiên (natural shame) và xấu hổ đạo đức (moral shame). Xấu hổ tự nhiên làm giảm lòng tự trọng của một người, nhưng không vi phạm các chuẩn mực đạo đức (như cảm thấy xấu hổ vì ngoại hình xấu), trong khi đó xấu hổ đạo đức liên quan đến các hành vi thiếu đạo đức (nói dối, phản bội ai đó).
Xấu hổ mang tác động tích cực (good shame), hoặc tiêu cực (bad shame). Xấu hổ tích cực giúp điều chỉnh hành vi cá nhân thông qua quá trình tự phản ánh (self-reflection) và tự thay đổi (phổ biến ở các xã hội mang tính cộng đồng (collectivist societies như Đông Nam Á). Một ví dụ điển hình là việc đi vệ sinh ngoài ở Ấn Độ (open defecation), xấu hổ và tác động từ cộng đồng giúp cá nhân nhận ra hành vi chưa đúng và từ đó sửa chữa. Trong khi đó, thông thường hơn, xấu hổ mang tác động tiêu cực. Bốn hành vi tiêu cực là hệ quả của xấu hổ tiêu cực là: (1) chạy trốn, từ bỏ trách nhiệm; (2) tự căng thẳng, đổ lỗi bản thân; (3) tức giận, mang mầm mống bạo lực; (4) các vấn đề về tâm lý như trầm cảm. Nghiên cứu ở 7 quốc gia (cả phương Đông và phương Tây), bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc làm rõ những tác động tiêu cực trên.
Vậy xấu hổ – nghèo đói – và chính sách liên hệ tác động lẫn nhau như thế nào? Nghèo đói có thể là nguyên nhân gây ra, hoặc củng cố sự xấu hổ; trong khi, xấu hổ có thể làm giảm, gây ra, hoặc tăng nghèo đói. Chính sách nhằm giảm đói nghèo và có tiềm năng giảm đói nghèo, nhưng cũng có thể gây ra và củng cố xấu hổ.
Mối liên hệ giữa đói nghèo và xấu hổ mời các bạn xem thêm trong phần phân tích tài liệu, ở đây, tôi xin tóm lược phần mối liên hệ giữa chính sách và xấu hổ.
Các chính sách xã hội, thông qua các chương trình giảm nghèo, có thể giảm mức độ xấu hổ, cải thiện và củng cố lòng tự trọng. Nghiên cứu chương trình hỗ trợ chuyển tiền (cash transfer programmes) ở châu Á, Mỹ Latinh và Tiểu vùng Sahara châu Phi cho thấy, nguồn tiền hỗ trợ hang tháng có thể giảm cẳng thẳng và củng cố sức khỏe tinh thần. Ở Malawi và Nam Phi, đó là vượt qua sự xấu hổ khi không phải mặc áo cũ đi học và được tắm gội sạch sẽ. Những người già ở Nepal, tuy nhận đồng lương hưu ít ỏi, cảm thấy được thừa nhận và tôn trọng từ phía Chính phủ.
Tuy nhiên, chính sách có thể gây ra và củng cố xấu hổ. Như việc nhận trợ cấp trong dài hạn có thể tạo cảm giác xấu hổ vì không thể tìm được việc làm, hoặc không có đủ điều kiện để con cái được đi học. Ngoài ra, chính sách có thể tạo ra sự kỳ thị không mong muốn – bằng cách ‘tạo ra sự khác biệt’ (một nhóm dân cư nhận trợ cấp của Chính phủ), củng cố sự ‘khác biệt’ đã sẵn có (như tập trung đặc biệt vào nhóm dân cư HIV/AIDS), hoặc có yếu tố ‘kỳ thị’ trong khi thực hiện chính sách (đối xử thiếu tôn trọng với những nhóm ‘khác biệt’).
Ví dụ dễ nhìn thấy nhất là trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Một nghiên cứu những người nhập cư ở Mexico cho thấy quá trình thủ tục rườm rà cộng với sự xấu hổ khi phải nêu thực tế điều kiện sống và sự đối xử kỳ thị của nhân viên y tế khiến nhiều người nhập cư từ bỏ quyền được chăm sóc sức khỏe miễn phí của họ ở các trung tâm y tế.
Một nguyên nhân khác là các chương trình trợ cấp thường đi kèm với các điều kiện cụ thể. Việc tuân theo những điều kiện này (mà thông thường là do những người hỗ trợ vốn đưa ra) cùng với việc nếu không tuân thủ sẽ bị rút vốn đồng nghĩa với việc người nghèo không được tin tưởng có thể hoàn thành các trách nhiệm dân sự.
Những nghiên cứu trên cho thấy mối liên hệ tích cực và tiêu cực giữa đói nghèo – xấu hổ- và chính sách. Bài nghiên cứu cũng chỉ ra sự cần thiết trong việc làm thế nào có thể phá vỡ vòng tròn tiêu cực trên và đề xuất hướng tiếp cận mới để giảm thiểu sự xấu hổ, trong mục tiêu cũng như phương tiện để giảm nghèo.
Bài đăng gốc: https://share4vndev.org/xau-ho-ngheo-doi-va-bao-tro-xa-hoi/